Câu 50 :Lòng thương yêu vô
hạn của Hồ Chí Minh đối với con người được thể hiện như thế nào?
Trả lời :
Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của
dân tộc, kết hợp truyền thống nhân nghĩa với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp
thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ, qua hoạt động thực tiễn,
Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp
nhất.
Tình yêu rộng lớn dành cho những người
cùng khổ, những người lao động bị áp bức, bóc lột. Hồ Chí Minh chỉ ham muốn cho
đất nước được hoàn toàn độc lập, dân được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn,
áo mặc, ai cũng được học hành. Chỉ có tình yêu thương con người bao la đến như
vậy mới có cách mạng, mới nói đến CNXH và CNCS.
Nghiêm khắc với mình, độ lượng với
người khác. Phải có tình nhân ái với cả những ai có sai lầm, đã nhận rõ và cố
gắng sửa chữa, đánh thức những gì tốt đẹp trong mỗi con người. Bác căn dặn Đảng
phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, trên nguyên tắc tự phê bình và phê
bình chân thành.
Tình yêu thương con người còn là tình
yêu bạn bè, đồng chí, có thái độ tôn trọng con người, điều này có ý nghĩa đối
với người lãnh đạo.
Các bạn tham
khảo thêm bài viết này :LÒNG YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI - PHẨM CHẤT CAO ĐẸP TRONG TƯ
TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Trong lịch sử tư tưởng của
nhân loại, từ xưa đến nay đã có nhiều học thuyết, tư tưởng đề cập đến số phận
con người, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người, thể hiện ở mức độ, giác
độ tiếp cận khác nhau. Nhưng đa phần chỉ dừng lại ở sự phản ánh những nguyện
vọng, ước mơ của con người về một tương lai, về những quan hệ giữa người và
người tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chỉ có học thuyết nào mang tính cách mạng và khoa
học mới có thể biến những ước mơ, nguyện vọng chân chính của con người trở
thành hiện thực.
Học thuyết Mác sở dĩ là một học thuyết đầy sức sống, đã chinh phục trái
tim, khối óc của hàng triệu con người giữa thế kỷ XIX đến nay, trước hết vì chủ
nghĩa Mác là lý tưởng mang tính nhân văn cao cả. Nhưng quan trọng hơn là nó đã
vạch ra con đường để đi đến xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công trên trái đất,
để xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn theo những quy luật phát triển khách
quan của xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí
Minh trong thời đại ngày nay có sức sống bền vững và ảnh hưởng sâu sắc đến tư
tưởng tình cảm của nhân dân Việt Nam và của nhân dân nhiều dân tộc trên Thế
giới, chính vì tư tưởng của Bác thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả, đáp ứng
những yêu cầu, nguyện vọng cháy bỏng và sâu xa của dân tộc và nhân loại.
Tính nhân văn cao
cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết biểu hiện ở tấm lòng yêu thương con
người, yêu thương nhân dân hết sức bao la, sâu sắc. Bác đã từng khái quát về
triết lý cuộc sống: “ Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề … ở đời và làm
người là phải thương nước, thương dân, thương nhân lọai đau khổ bị áp
bức”. Đó không phải là lòng thương hại của “bề trên” nhìn xuống, cũng không
phải là sự động lòng trắc ẩn của người “đứng ngoài” nhìn vào mà là sự đồng cảm
của những con người cùng cảnh ngộ với thân phận nô lệ, người dân mất nước mà
Bác đã từng trải qua và từng chứng kiến biết bao cảnh đau thương, ngang trái,
bất công từ khi người lớn lên cho đến lúc bôn ba tìm đường cứu nước. Bác khẳng
định: “lòng yêu thương của tôi đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay
đổi.”
Có thể nói, phẩm
chất cao đẹp trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lòng yêu thương vô hạn đối với
con người. Từ đó, Bác đòi hỏi mọi cán bộ đảng viên phải có ý chí đấu tranh
không mệt mỏi để giải phóng con người. Lúc sinh thời, Bác chỉ có một ham muốn
tột bật là làm sao “nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai
cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng phải được học hành”. Về phần mình Bác chỉ mơ ước
một mái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để trồng rau, sớm chiều làm bạn
cùng với các cụ già hái củi và các em bé chăn trâu. Từ lòng yêu thương con
người, Bác đã không ngại bôn ba tìm đường cứu nước và họat động không mệt
mỏi để lo cho nước, cho dân. Trước khi đi gặp cụ Mác, cụ Lênin và các vị cách
mạng đàn anh khác, Bác vẫn luôn nghĩ đến con người và sự nghiệp giải phóng của
họ. Thật sâu sắc và cảm động biết bao khi thấy những gì Bác dặn chúng ta trong
di chúc: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, Bác yêu cầu Đảng, Chính phủ
phải có thái độ, chính sách đối với các tầng lớp để đồng bào ta ai ai cũng mát
dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Từ lòng yêu thương
con người, Bác cho rằng phải đem lòng chí công vô tư trong đối xử với người
“phải biết làm cho các tầng lớp nhân dân đoàn kết lại, không được bênh vực tầng
lớp này, chống lại tầng lớp khác. Trong giải quyết những vấn đề phải nhớ câu
không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”.
Từ lòng yêu thương
con người phải có niềm tin mãnh liệt vào phẩm giá tốt đẹp của con người. Người
vạch rõ: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu. Mỗi người đều có thiện - ác
trong lòng”. Tuy nhiên, “tốt - xấu, thiện - ác không phải tự nhiên mà có,
phần nhiều do giáo dục mà ra”:
Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà ra.
Vì vậy, Bác yêu
cầu thái độ của người Cách mạng phải có lòng tin trong việc giáo dục đối với
con người, “phải biết làm cho lòng tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa
xuân và phần xấu mất dần đi”. Kể cả những người lầm đường lạc lối cộng tác với
địch, Bác cũng có thái độ bao dung. “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài.
Nhưng dài ngắn đều được hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có
người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta.
Vậy ta phải khoan hồng đại lượng, ta phải nhận rằng con Lạc cháu Hồng thì ai
cũng ít nhiều có lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta
phải lấy tinh thần nhân ái mà cảm hóa họ”.
Không những thế,
tấm lòng bao dung và đại lượng của Bác còn thể hiện rõ hơn khi xử lý mối quan
hệ ta – địch, bạn – thù. Tháng 9/1946, trả lời thư bà Chossie trong Hội liên
hiệp Phụ nữ Pháp, Bác viết: “Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến
thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niênViệt Nam . Đối với tôi, sinh mệnh của một
người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau… Tôi
nghiêng mình trước linh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc
mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót những người Pháp đã tử
vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu,
người Pháp hay người Việt cũng đều là người…. Người Pháp hay người Việt
cũng đều tin tưởng vào đạo đức: Tự do, bình đẳng, bác ái, độc lập”.
Khi cuộc chiến
giữa Việt Nam và Mỹ vào giai đoạn quyết liệt, trong buổi tiếp các nhà khoa học,
các nhà báo Mỹ và Mexico Bác đã nói: “Đối với các ông, các ông khó mà tin được
tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại, mà tôi cũng
rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm với nỗi đau buồn của cha mẹ
họ. Vì vậy, chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng ta phải sẳn sàng hoan
nghênh nhân dân Mỹ không phải họ đến đây như hiện nay với những người lính mang
vũ khí, mà khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng đất nước
ta”.
Còn có thể nêu lên
nhiều hơn nữa những lời nói, những mẩu chuyện thể hiện sự rộng mở bao dung về
lòng yêu thương con người trong tư tưởng của Bác. Có lẽ vì thế mà
Burchett – nhà báo Australia
nổi tiếng đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình đã để lại ân tình
sâu nặng trong nhân dân thì không có một ai khác ngòai Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Riêng bà Indira Gandi thì phát biểu: “Tính độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân
loại sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của người sẽ cổ vũ các thế hệ mai
sau”.
Như vậy, chúng ta
dể dàng nhận ra rằng trong mỗi hoàn cảnh, lúc chiến tranh cũng như lúc đã giành
thắng lợi….. Bác đều luôn quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp
Nhân dân, thể hiện tư tưởng và tấm lòng rộng mở, chu đáo, bao dung.
Học tập tư tưởng,
đạo đức của Bác trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, dù ở
bất cứ cương vị nào cũng phải thật gần dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân,
quan tâm giải quyết những khó khăn, bức xúc chính đáng của dân. Phải trăn trở
và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn khó khăn, nghèo đói. Không chỉ chia sẽ
và đồng cam cộng khổ với dân mà còn phải biết tập hợp, tổ chức, động viên phát
huy sức mạnh của nhân dân, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo,
đồng thời tích cực đấu tranh chống tệ tham nhũng, lãng phí và thói quan liêu,
vô cảm, coi thường quần chúng. Đó mới là hành động cụ thể để thực hiện lời Bác
dạy.